Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]
Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lêvẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.[1]
Ngày lễ chính thức[sửa | sửa mã nguồn]
Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 Tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 Tháng 3 âm lịch thì cử hành “quốc tế” hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.[2]
Ngày 10 Tháng 3 từ đó được dùng cho toàn quốc. Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức[3] cho đến năm 1975.
Đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì năm 2007 mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.[4]
UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại”.[5]
Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:
-
- Dù ai đi ngược về xuôi
- Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
-
- Dù ai buôn bán gần xa
- Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
Các hoạt động văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]
Các tỉnh góp giỗ dâng lễ vật lên Vua Hùng[sửa | sửa mã nguồn]
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2016, những ngày này tại tỉnh Phú Thọ đã và đang diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, đậm đà bản sắc dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh là Cà Mau, Hưng Yên, Bình Thuận.
Ngày 15/4 (tức 9/3 âm lịch) tại đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đoàn đại biểu các tỉnh góp giỗ đã long trọng tổ chức dâng hương, hoa, sản vật của quê hương lên Vua Hùng.
Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải dẫn đầu đã dâng hương, hoa, lễ vật gồm các trái cây đặc sản vùng Nam Bộ như: Xoài, thanh long, vú sữa và một số loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh ích, bánh dừa, bánh ú được đặt trên biểu tượng một con tàu.
Đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Tiến sĩ dẫn đầu thành kính dâng lên vua Hùng mâm lễ vật: Xôi và gà Đông Tảo, bánh chưng, bánh dày, long nhãn, hạt sen đặc sản phố Hiến và cung tiến phiên bản Trống đồng Động Xá, thuộc văn hóa Đông Sơn.
Đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu dâng lễ vật lên tổ tiên gồm: Thanh long, mủ trôm, bánh rế, cốm, thanh long sấy…
Các đoàn đã kính cáo với tổ tiên những thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; nguyện một lòng đoàn kết, xây dựng tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung ngày càng vững mạnh, hùng cường.
Sau khi dâng hương, hoa, lễ vật tại đền Thượng, đoàn đại biểu các tỉnh đã dâng hương, hoa tại lăng Hùng Vương, thắp hương tại Đền Quốc tổ Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Sôi nổi các hoạt động văn hóa – thể thao ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày 13/4, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hội thi “Gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy dâng lên Vua Hùng” thu hút 15 đội tham gia. Đây là hội thi tổ chức hằng năm để tỏ lòng biết ơn công đức các Vua Hùng đã tạo dựng một phong tục đẹp của dân tộc.
Ban Tổ chức cho biết, hai đội đoạt giải nhất sẽ được gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy dâng lên Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch năm 2017.
Cùng ngày, tại Bảo tàng Hùng Vương, UBND TP. Việt Trì tổ chức liên hoan hát Xoan thanh, thiếu nhi lần thứ ba, với sự tham gia của hơn 100 thanh, thiếu nhi đến từ các trường trung học trên địa bàn Thành phố.
Dịp này, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2016 tổ chức triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật do đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng.
Ngoài ra, có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh tham gia góp giỗ; các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, bóng chuyền, bắn nỏ truyền thống; tổ chức trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tinh hoa cổ vật vùng đất Tổ”…
- Ngày 14/4, diễn ra Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích; khai mạc triển lãm tranh, ảnh của các nghệ sĩ Phú Thọ; giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương và nhiều hoạt động khác.
- Nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016, ngày 15/4, tại bến Tam Giang, phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì đã tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô.
Với tinh thần thể thao “Đoàn kết, trung thực, cao thượng, quyết tâm giành thành tích cao”, các đội chải đã cống hiến cho người xem những đường đua ngoạn mục, hấp dẫn.
Kết thúc lễ hội, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho đội chải phường Bạch Hạc; giải nhì cho đội chải xã Trưng Vương; đồng giải ba cho đội chải của phường Dữu Lâu và xã Phượng Lâu.
Lễ hội bơi chải truyền thống là dịp để tôn vinh giá trị di sản đặc sắc – nghệ thuật bơi chải, là cơ sở để phục dựng, chuẩn hóa nghi thức tổ chức lễ hội truyền thống, là căn cứ để TP. Việt Trì xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.